Võ sư Trương Văn Bảo
Võ đường Trần Hưng Đạo
Đà Lạt - Việt Nam
Trần Hưng Đạo tên húy là Quốc Tuấn, tước là Hưng Đạo Vương, vị đệ nhất công thần tài đức, một danh tướng mưu lược, văn võ song toàn, anh hùng dân tộc Việt Nam, đời nhà Trần khoảng cuối thế kỷ thứ XIII, người làng Tức Mặc, Huyện Mỹ Lộc, Phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định, sinh ngày 10 tháng 02 năm 1228 (Mậu Tý), con của An Sinh Vương Trần Liễu.
Năm Đinh Tỵ (1257), quân Mông Cổ xâm lăng đất Việt, vua Trần Thái Tông cử Hưng Đạo Vương làm Tiết chế đem binh đánh bại giặc tại Đông Bộ Đầu (thuộc huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Đông, phía đông Sông Hồng Hà), đuổi chúng ra khỏi bờ cõi.
Năm Quý Mùi (1283), vua Trần Nhân Tông lại cử Hưng Đạo Vương làm Quốc Công, Tiết chế thống lãnh binh quyền cùng sự giúp sức của các tướng Trần Bình Trọng, Trần Khánh Dư, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Nguyễn Khoái, Nguyễn Quan, Phạm Ngũ Lão, Trần Quốc Toản, Lê Phụ Trần… mang quân phá giặc, đánh bại quân Nguyên tại cửa Hàm Tử, bến Chương Dương, giết giặc tại Tây Kết, phá tan giặc tại Vạn Kiếp, tướng giặc là Thoát Hoan phải chui vào ống đồng chạy trốn.
Năm Đinh Hợi (1287), quân Nguyên lại kéo sang xâm lược, Hưng Đạo Vương được cử ra thống lãnh tướng sĩ quyết tâm chống giặc; tướng Trần Khánh Dư đánh phá đoàn vận lương của quân Nguyên tại Vân Đồn. Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Chế Nghĩa phục kích tại Ải Nội Bàng, Lạng Sơn. Dã Tượng và Yết Kiêu là những gia tướng trung thành hết lòng phò tá, Hưng Đạo Vương tin chắc quân Nguyên phải thối binh nên cho quân mai phục tại sông Bạch Đằng, dùng lại mưu chước của Ngô Vương Quyền ngày trước, đóng cọc nhọn dưới lòng sông, nhờ ngọn thủy triều mà đại phá quân Nguyên. Trận Bạch Đằng Giang đánh vào tháng ba năm Mậu Tý (1288).
Sử chép rằng trong trận đánh giặc Nguyên - Mông trên sông Bạch Đằng, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cỡi voi vượt qua sông Hóa (thuộc làng A Sào, nay là xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ), không may voi bị sa lầy. Ông đành phải xuống voi. Quân lính cùng nhau ra sức kéo lên nhưng con voi càng bị lún sâu. Voi này đã từng đưa Hưng Đạo Vương xông pha nơi trận mạc, quân lính cố hết sức đẩy con voi ra khỏi bãi lầy nhưng cuối cùng đành bất lực. Vì việc quân cấp bách, Hưng Đạo Vương phải để voi lại và dùng ngựa đi tiếp. Chính tại nơi đây, Người rút gươm chỉ xuống dòng sông Hóa mà thề rằng: "Trận này không phá xong giặc Nguyên, ta quyết không về qua sông này nữa". Nói rồi ra đi. Voi nhìn theo chủ tướng ứa nước mắt chìm vào bãi lầy.
Trần Hưng Đạo ba lần tổng chỉ huy quân dân Đại Việt đại phá Nguyên - Mông, ngài đã có những lời tâm huyết thể hiện lòng trung thành của một danh tướng. Trước tình hình nguy ngập, thế giặc hung hãn, Vua Trần Nhân Tông tỏ ý muốn hàng để bảo toàn sinh mạng và tránh sự khổ cực cho muôn dân, Hưng Đạo Vương khẳng khái tâu rằng: “Xin trước hãy chém đầu thần, rồi sau hãy hàng”. Mấy tháng trước khi Hưng Đạo Vương mất, Vua Trần Anh Tông đến thăm hỏi kế sách giữ nước, ngài nói rằng: “Thời bình phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”.
Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn có soạn sách “Binh Gia Diệu Lý Yếu Lược” gọi tắt là “Binh Gia Yếu Lược” hay “Binh Thư Yếu Lược” và “Vạn Kiếp Tông Bí Truyền Thư” gọi là “Vạn Kiếp Bí Truyền” (đã thất truyền). Ngoài ra còn có bài “Dụ Chư Tỳ Tướng Hịch Văn” gọi là “Hịch Tướng Sĩ”.
Ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý (1300) Hưng Đạo Vương qua đời, vua Trần Anh Tông sắc phong ngài làm Thái Sư, Thượng Phụ Thượng Quốc Công Bình Nguyên Đại Nguyên Súy Long Công Thịnh Đức Vĩ Liệt Hồng Huân Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương. Nhân dân đương thời lập đền thờ ngài gọi là Đền Kiếp Bạc, hậu thế lập đền thờ khắp nơi trong nước gọi là Đền thờ Đức Trần Hưng Đạo, đền thờ Đức Thánh Trần. Tên đường phố, tên trường học, khóa học, những công trình lịch sử, văn hóa, võ thuật, quân sự, đặc biệt là ngành hàng hải và quân chủng hải quân được người sau lấy tên Trần Hưng Đạo với lòng ngưỡng mộ, kính trọng tài đức một danh tướng công thần trọn đời vì dân tộc và tổ quốc.