Nguồn http;//vocotruyenvn.net
* Võ sư Trương Văn Bảo
Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam
Thực hiện kế họach công tác năm 2012, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đăk Lăk tổ chức lớp tập huấn trọng tài, huấn luyện viên Võ thuật cổ truyền toàn quốc từ ngày 07 tháng 6 đến ngày 12 tháng 6 năm 2012 tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk.
Đắk Lắk, Darlac hay Đắc Lắc (theo tiếng M'Nông: Đăk = nước; Lăk = hồ) là một tỉnh nằm ở trung tâm Tây Nguyên, phía Bắc giáp Gia Lai, phía Nam giáp Lâm Đồng, phía Tây Nam giáp Đăk Nông, phía Đông giáp Phú Yên và Khánh Hòa, phía Tây giáp Vương quốc Campuchia với đường biên giới dài 70 km.
Buôn Ma Thuột (hay Ban Mê Thuột, tiếng Ê Đê: Ƀuôn Ama Thuột) là thành phố tỉnh lị của tỉnh Đắk Lắk, cách Hà Nội 1.410 km và cách Thành phố Hồ Chí Minh 350 km, đồng thời là thành phố trung tâm vùng Tây Nguyên và là một trong số 8 đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh của Việt Nam.
Ngày 27/11/2009 Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có kết luận số 60-KL/TW về việc xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên và trực thuộc Trung ương trước năm 2020.
Buôn Ma Thuột gốc tiếng Ê Đê, nghĩa là "bản hoặc làng của Cha Thuột", nó xuất phát từ tên gọi buôn của Ama Thuột (Ama là Cha; Thuột là tên Con; người Ê Đê khi có con trai, thì họ gọi nhau bằng tên của con trai mình, ở đây A ma Thuột nghĩa là Cha của Thuột và thường gọi là Cha Thuột) - tên một vị tù trưởng giàu có và quyền uy nhất vùng; để rồi từ đây hình thành nên các buôn làng xung quanh, phát triển thành thành phố Buôn Ma Thuột ngày hôm nay (tham khảo tài liệu hành chính từ Bách Khoa toàn thư mở)
Tham dự lớp tập huấn trọng tài, huấn luyện viên Võ thuật cổ truyền toàn quốc năm 2012 có 99 học viên (11 nữ) của 29 tỉnh, thành, ngành là: An Giang, Bà Rịa Vũng Tàu, Bắc Giang, Bình Dương, Bình Định, Bình Phước, Bình Thuận, Cần Thơ, Công an nhân dân, Đại học Thể dục Thể thao thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Tôn Đức Thắng thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đăk Lăk, Đồng Nai, Gia Lai, Hà Nội 1, Hà Nội 2, Khánh Hoà, Lào Cai, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Long An, Phú Yên, Quân Đội, Quân Khu 5, Thanh Hoá, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Vĩnh Long.
Ban giảng viên gồm:
- Võ sư Lê Kim Hòa, Phó chủ tịch kiêm Trưởng ban chuyên môn Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam (Trưởng ban).
- Võ sư Trương Văn Bảo, Ủy viên Ban chấp hành, Phó trưởng ban chuyên môn Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam.
- Võ sư Lý Hoàng Tuấn, Uỷ viên Ban chuyên môn Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam.
Nội dung tập huấn:
- Luật thi đấu Võ cổ truyền Việt Nam (thi đấu trên võ đài)
- Phương pháp trọng tài, giám định (lý thuyết và thực hành)
- Tập huấn 3 bài bái tổ xe đài thống nhất.
- Thi kiểm tra tuyển chọn trọng tài, làm cơ sở để điều động làm nhiệm vụ các giải khu vực và quốc gia. Kết quả có 80% học viên có khả năng làm trọng tài điều hành giải.
- Cấp giấy chứng nhận cho các học viên đạt yêu cầu lớp học.
Võ sư Lê Kim Hoà trình bày quan điểm của Ban chuyên môn rõ ràng, cụ thể, với lòng mong ước xây dựng những đội ngũ kế thừa có đủ năng lực làm việc cho Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam trong tương lai. Võ cổ truyền Việt Nam phong phú đa dạng, có nhiều nội dung thi đấu nên đòi hỏi người trong tài, giám định, giám khảo phải có đạo đức công bằng, vô tư, thể hiện được năng lực và trách nhiệm của người làm nhiệm vụ. Đối với các bài võ quy định, trước mắt là mẫu số chung cho Liên đoàn, không phải là những bài cố định và Ban chuyên môn Liên đoàn cũng chưa bao giờ phát biểu rằng đây là những bài hay nhất của Võ cổ truyền Việt Nam.
Ban chuyên môn Liên đoàn đã phát hành bộ sách Võ cổ truyền Việt Nam tập 1 và 2, định hướng tương lai sẽ tập hợp những kiến thức về kinh nghiệm thi đấu đối kháng, y võ dưỡng sinh của các võ sư, huấn luyện viên toàn quốc, Ban chuyên môn sẽ biên tập rồi in thành sách tập 3 làm tài liệu tham khảo chung. Học, học nữa, học mãi; văn ôn, võ luyện là tiêu chí của giáo dục. Việc làm của Ban chuyên môn cũng chỉ là một mảng hoạt động trong Liên đoàn cùng với các ban khác, và cũng không phải là toàn quyền quyết định mọi việc, mà phải tuân thủ chỉ đạo của thường trực Liên đoàn và của Vụ Thể dục Thể thao quần chúng, Tổng cục Thể dục Thể thao.
Nhân vô thập toàn, con người không ai hoàn hảo, chắc chắn trong quá trình làm việc không sao tránh khỏi những thiếu sót mà Ban chấp hành Liên đoàn cần được các lão võ sư, võ sư, huấn luyện viên và những người yêu mến Võ cổ truyền Việt Nam góp ý, bổ sung trên tinh thần xây dựng. Mong lãnh đạo Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam tích cực, cơ quan chức năng của ngành Thể dục Thể thao quan tâm hỗ trợ giúp đỡ và điều quan yếu là Liên đoàn thật tâm xây dựng Võ cổ truyền ngày càng vững mạnh, chứ không phải lợi dụng Võ cổ truyền mưu cầu lợi ích cá nhân thì mới mong có được sự phát triển bền vững.
Võ sư Trương Văn Bảo - BMT