Admin Huấn Luyện Viên Hoàng Đai Tam Đẳng
Tổng số bài gửi : 118 Join date : 22/04/2011 Age : 35
| Tiêu đề: Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ IV - Bình Định 2012: Hội tụ tinh hoa võ Việt 5/8/2012, 12:57 pm | |
| http://vocotruyenvn.net
Lúc 20 giờ ngày 1-8, hơn 1.300 võ sinh của 97 đoàn võ cổ truyền Việt Nam trong nước và quốc tế hội tụ tại sân vận động TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) dự khai mạc Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ IV - Bình Định 2012. Không phải là “đại hội võ lâm” để tìm ra “minh chủ” như tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, liên hoan võ lần này là sự hội ngộ của các môn phái, hội tụ tinh hoa võ Việt trong nước và quốc tế; cũng là dịp giao lưu, học hỏi và phát huy võ Việt, truyền thống hào kiệt của cha ông. Đến dự lễ khai mạc có các đồng chí: Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc.
Trình diễn võ cổ truyền Việt Nam tại Bảo tàng Quang Trung (Bình Định) Hội ngộ quần hùng Thành phố biển Quy Nhơn mấy ngày qua nhộn nhịp hẳn, xua tan cái nắng cháy bỏng miền Trung. Đường phố rợp cờ hoa đón chào hơn 1.300 môn sinh võ Việt, 69 đoàn với 725 võ sư, HLV và võ sinh đến từ 27 quốc gia, vùng lãnh thổ cùng 28 đoàn trong nước hội ngộ tại đất võ Bình Định. Mỗi lần về với đất võ Bình Định, các võ sư cũng như các môn sinh có cùng cảm giác như đang hành hương về “tổ đường”, nơi sáng tạo, lưu truyền những bài quyền nổi tiếng thế giới của võ cổ truyền Việt Nam. Những Hùng kê quyền của Nguyễn Lữ, Song phượng kiếm của Bùi Thị Xuân, Lôi phong tùy hình kiếm của Trần Quang Diệu, Yến phi quyền của Nguyễn Huệ, Đại đao xung thiên của Võ Văn Dũng,… với những võ đường, những tên làng lẫy lừng một thời như Thuận Truyền, An Thái, An Nghi, Bình Nghi… vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay trên đất Tây Sơn hào kiệt. Tambi Matt (người Việt gốc Ấn Độ), Trưởng môn phái Thần Long Thiên Đại Hổ (Pháp) cho biết, cả 4 kỳ liên hoan tại Bình Định môn phái của anh đều có mặt. Lần này, anh về cùng con trai 13 tuổi (cũng là môn sinh Thần Long Thiên Đại Hổ, giải nhất về đi quyền và binh khí lứa tuổi trẻ em tại Pháp) và 10 môn sinh khác. “Dù xa quê đã 35 năm nhưng tôi nói rất sõi tiếng Việt vì cha tôi muốn giữ nền nếp gia phong theo văn hóa Việt. Ở Pháp, ngoài đi làm và đi học phải nói tiếng Pháp, khi về nhà tất cả thành viên trong gia đình đều nói tiếng Việt. Là một trưởng môn võ Việt, tôi muốn thông qua võ đạo để lưu truyền văn hóa Việt, để làm sao người nước ngoài khi học võ Việt cũng chính là học văn hóa Việt. Tôi cũng thường nói với các môn sinh người Pháp của mình rằng, học võ không phải là đánh nhau mà học võ là để rèn luyện thân thể và trí tuệ, là học tinh hoa văn hóa trong đó”, Trưởng môn Tambi Matt tâm sự. Sau hơn 30 năm bôn ba dạy võ khắp trời Tây, võ sư Diệp Lệ Bích (hiện sống ở Northampton, Anh), Trưởng môn Bình Thái đạo, về lại đất An Thái (Tây Sơn) mở lò dạy võ. Môn phái Bình Thái đạo được võ sư Diệp Trường Phát (tức Tàu Sáu, ông nội của bà Bích) thành lập vào những năm đầu thế kỷ 20 tại đất An Thái (nay thuộc xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn, Bình Định). Bình Thái đạo là sự kết hợp giữa võ cổ truyền Bình Định và Thiếu Lâm tự (Trung Hoa). Sau khi định cư ở Anh, năm 1984, võ sư Diệp Lệ Bích mở lò dạy Bình Thái đạo cho người Anh và Việt kiều ở Vương quốc Anh. Đến nay, trên thế giới đã có hơn 2.000 môn sinh theo học Bình Thái đạo. “Dù ở nước Anh nhưng tôi vẫn luôn mong ngóng về quê cha đất tổ Bình Định. Từ năm 2007, tôi đã bắt đầu truyền bá Bình Thái đạo với mong muốn cùng chung tay quảng bá võ cổ truyền Việt Nam với bạn bè quốc tế. Chính vì vậy, những dịp liên hoan như thế này không chỉ là các môn phái võ cổ truyền Việt Nam giao lưu học hỏi mà còn là dịp để chúng ta quảng bá võ Việt ra với thế giới”. Bái lễ Quang Trung Đúng 20 giờ, chương trình khai mạc Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ IV chính thức mở màn và được truyền hình trực tiếp trên Đài PT-TH Bình Định, VTV4 và HTV7. Trong tiếng trống trận Tây Sơn hào hùng, màn đồng diễn các bài võ tinh túy của võ cổ truyền Bình Định kết hợp biểu diễn với lửa, pháo kỹ xảo, ánh sáng tạo thành một đại cảnh đồng diễn võ thuật đặc sắc như khơi gợi lại bước chân thần tốc của đoàn quân Tây Sơn đánh Nam dẹp Bắc… Tái hiện lịch sử phong trào Tây Sơn với những chiến công lẫy lừng của anh em nhà Tây Sơn, đại cảnh sân khấu hóa “Âm vang nghĩa khí Tây Sơn” với 3 tiết mục liên hoàn: Dựng cờ khởi nghĩa, Đánh chiếm phủ thành Quy Nhơn và Xuân Đài dậy sóng - Vang danh áo vải cờ đào trên đất Phú Yên. Đại cảnh sân khấu hóa “Lừng lẫy một vùng trời Nam” và “Huy hoàng chiến công đất Bắc” tái hiện cảnh: Tiến binh giải phóng thành Gia Định, chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, lên ngôi hoàng đế, tòng quân đánh giặc Mãn Thanh, tiến vào giải phóng Thăng Long… của Tây Sơn tam kiệt.
Tái hiện cảnh anh em nhà Tây Sơn thu phục các dân tộc anh em dẹp giặc phương Bắc thành công. Ấn tượng nhất là đại cảnh toàn thể các võ sư, võ sĩ, võ sinh cùng quỳ xuống bái lễ hướng về hình ảnh tượng đài Quang Trung trên sân khấu trung tâm, tạo nên khoảnh khắc thiêng liêng trong tiếng trống, tiếng cồng, tiếng chiêng vang dội; trong ánh đuốc lửa thiêng rực sáng và hàng ngàn ngọn nến…như thể hiện sự hội tụ và lan tỏa của võ cổ truyền Việt Nam; suy tôn Hoàng đế Quang Trung – người anh hùng áo vải của dân tộc, một trong những vị tổ của võ cổ truyền Việt Nam. Khép lại chương trình khai mạc là đại cảnh sân khấu “Từ Bình Định đến năm châu” với cảnh đồng diễn võ thuật tạo hình một bông hoa khổng lồ mà trung tâm là tượng đài Quang Trung, chung quanh là các môn sinh của các môn phái võ Việt trong nước và quốc tế; quốc kỳ của các quốc gia được cách điệu trên những cánh buồm như một sự lan tỏa mạnh mẽ của võ cổ truyền Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung ra khắp năm châu bốn bể. Kết thúc chương trình là màn trình diễn pháo hoa rực rỡ sắc màu như báo hiệu tương lai của võ cổ truyền Việt Nam. Trước đó, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tỉnh Bình Định các đoàn võ thuật đã đến dâng hoa, dâng hương tại Tượng đài Hoàng đế Quang Trung và Đền thờ Tam Kiệt tại Bảo tàng Quang Trung, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. "Võ cổ truyền Việt Nam có lịch sử phát triển lâu đời, được hình thành, bồi đắp trong quá trình người Việt đấu tranh chinh phục thiên nhiên, chống ngoại xâm để giữ gìn non sông bờ cõi. Trải qua những tháng năm của lịch sử dân tộc, võ cổ truyền Việt Nam tại các địa phương trong cả nước đã không ngừng được củng cố, phát triển và kết tinh thành di sản văn hóa của dân tộc, với sức lan tỏa ngày càng mạnh mẽ. Bình Định, quê hương của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ - lãnh tụ của phong trào nông dân Tây Sơn và của cuộc kháng chiến bảo vệ dân tộc với những chiến công vang dội vào cuối thế kỷ 18. Triều đại Tây Sơn cũng là triều đại ban hành nhiều chính sách tiến bộ về ngoại giao, cải cách kinh tế, sử dụng nhân tài, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Lịch sử cũng ghi nhận rằng, trong thời kỳ này, võ cổ truyền Bình Định đã phát triển vượt bậc…" Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện NhânBài và ảnh : Khôi Nguyên | |
|